[Devtalk] 03 – CHATBOT và tương lai của tự động hóa

- Chatbot là gì?

- Chatbot hoạt động như thế nào?

- Chatbot dùng để làm gì?

 Tại sao Chatbot trở thành hot trend?

 ChatbotAI xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0

Buổi Devtalk hôm nay chúng ta sẽ được nghe những chia sẻ trực tiếp từ anh Đoàn Văn Vĩnh Thọ hiện – Manager của công ty Gianty Co., Ltd với nhiều năm nghiên cứu và triển khai Chatbot vào thực tế.

Muốn hiểu rõ hơn về Chatbot và công nghệ AI, các bạn hãy cùng laptrinhvien.io xem video ngay bên dưới nhé!

Chi tiết những nội dung chia sẻ mà anh mang đến cho chúng ta gồm:

– Anh có thể chia sẻ về công việc của anh tại Gianty không?

Anh hiện đang là Manager tại công ty Gianty. Công ty Gianty là một công ty toàn cầu có chủ sở chính tại Nhật Bản, 2 chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh và Mỹ. Anh đã gia nhập vào công ty Gianty gần được 6 năm. Trong thời đầu, anh tham gia với vai trò IOS Software Engineer. Sau đó, anh còn làm việc với Android và cả Back-End. Anh có cơ hội được tham gia rất nhiều dự án từ app đến game với nhiều vai trò từ Engineer đến Manager. Dự án đáng nhớ nhất đó là “ayakashi”- Đây là môt game rất thành công của công ty, từng đứng thứ hạng rất cao trên App Store và Google Play. Hiện tại, ngoài quản lý nhóm làm sản phẩm trên IOS và Android, thì anh còn tham gia các dự án phát triển Chatbot cho công ty cũng như các đối tác của công ty – đây là một lĩnh vực mới hiện nay.

– Anh có thể giới thiệu Chatbot “trợ lý ảo” đã triển khai cho công ty và các chức năng của nó là như thế nào?

Từ cuối năm 2016, công ty nhận thấy Chatbot là một xu hướng và anh là người được giao nhiệm vụ tìm hiểu và triển khai nó. Sản phẩm đầu tiên của công ty “Trợ lý ảo” trên trang web chính của công ty. Đây có thể ví như một nhân viên của công ty, luôn luôn sẵn sàng tư vấn cho khách hàng khi họ đến tham quan website của công ty.

Những lợi thế của Chatbot, đó là:

  • Nó luôn làm việc 24/7
  • Cùng một lúc Chatbot có thể phục vụ rất nhiều khách hàng

Chatbot sử dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên để phân tích các message mà khách hàng gửi đến. Từ đó kết hợp với những dữ liệu mà Chatbot đã được huấn luyện trước để trả lời cho khách hàng.

Ngoài ra, công ty anh còn đầu tư một con robot “pepper” của hãng SoftBank để nghiên cứu và phát triển ứng dụng. Nhưng hơi tiếc là đến hiện tại vẫn chưa chuyển về Việt Nam được ?.

– Anh nghiên cứu AI từ khi nào và viết Chatbot thì cần đến AI đúng không ạ?

Rất may mắn, anh được làm quen với AI từ môi trường đại học ?. Đồ án tốt nghiệp của anh làm về “Dự báo sử dụng mạng nơ-ron nhân tạo”. Đó là cơ hội rất tốt để anh biết và tìm hiểu được những kiến thức về AI.

Tuy nhiên, để làm Chatbot không phải tất cả mọi thứ mình đều sử dụng AI. Theo anh, nó có 4 cấp độ như sau:

  • Cấp độ 1 – Matching: Có nghĩa là ban đầu mình đã huấn luyện cho con Chatbot của mình nếu người dùng hỏi A thì Chatbot sẽ trả lời B, người dùng hỏi C thì Chatbot sẽ trả lời D.
  • Cấp độ 2 – Có sử dụng thêm AI, cụ thể là có sử dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Ví dụ, khi có một người hỏi Chatbot là “Chiều nay ở quận 7 có bị ngập nước không?“. Với công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên sẽ giúp cho mình phân tích được câu nói đó của người dùng để cho mình được 3 tham số: về thời gian (chiều hôm nay), về vị trí (quận 7), vấn đề cần hỏi (ngập nước). Từ 3 tham số đó mình sẽ lập trình thêm và tìm kiếm dữ liệu để trả kết quả về cho khách hàng.
  • Cấp độ 3 – Có thêm ngữ cảnh: Ví dụ như tiếp của câu hỏi trên người dùng tiếp tục hỏi “Còn ở quận 2 thế nào?“. Nếu không có ngữ cảnh thì bot sẽ không hiểu được câu hỏi đó. Khi có ngữ cảnh thì bot nó hiểu là người dùng vẫn đang hỏi về vấn đề ngập nước? chiều nay? và hỏi về vị trí là quận 2.
  • Cấp độ 4 – Cá nhân hóa: Nó giúp cho cuộc trò chuyện giữa người với chatbot nó thân thiện hơn. Chatbot nhớ tất cả thông tin mà người dùng đã nói về tên, tuổi. Sau đó, nó sẽ trả lời lại.

Ngoài ra, vẫn còn sử dụng thêm một số công nghệ về AI nữa: nhận diện hình ảnh, nhận diện âm thanh. Ví du: có thể trao đổi trực tiếp với Chatbot luôn.

– Như anh nói, có 4 cấp độ cho một Chatbot. Vậy “Trợ lý ảo” hiện nay của công ty anh đang ở cấp độ bao nhiêu? Và anh có ý định nâng cấp nó lên cấp độ cao hơn nữa không?

Thú thật mà nói, con Chatbot của trang web công ty anh hiện nay chỉ đang ở cấp độ 1 và có sử dụng một số xử lý âm thanh.

Sau con Chatbot đó thì tụi anh có làm thêm một số Chatbot nữa cho khách hàng. Và những con Chatbot đó thì đã đạt đến cấp độ 4 rồi. Nó đã xử lý được cả ngôn ngữ tự nhiên, ngữ cảnh, cá nhân hóa.

– Khác với mảng lập trình web application, game, mobile thì xu hướng sắp tới để hòa nhập vào công nghiệp 4.0 đó là Internet of thing và AI với ứng dụng cơ bản Chatbot. Anh cho biết sự khác biệt và sự khó khăn nào khi anh làm con Chatbot này?

Về sự khác biệt, khi mình làm ứng dụng hay làm Chatbot nó đều có đặc điểm chung là nhằm phục vụ một nghiệp vụ gì đấy của sản phẩm. Ví dụ khi mình làm dự báo thời biết bằng cả ứng dụng và Chatbot thì nó đều phục vụ cái nghiệp vụ dự báo thời tiết. Nhưng cái điểm khác biệt rất rõ ràng đó là giao diện người dùng. Ở Chatbot đó là giao diện người dùng CUI – Conversational User Interface. Còn ở những ứng dụng khác nó thông thường là GUI – Graphical User Interface.

Với CUI – người dùng tự do gửi input đầu vào cho con bot , ví dụ: quận 7 có ngập nước chiều nay không? hoặc có ngập nước chiều nay ở quận 7 không? cả 2 câu này đều cùng chung 1 ý nghĩa, 1 input đầu vào cho con bot. Còn GUI – người dùng nhập theo form cố định. Cho nên đối với Chatbot là mình phải sử dụng đến xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Về khó khăn, anh nghĩ về xử lý ngôn ngữ tự nhiên mặc dù được các nhà nghiên cứu đầu tư rất là nhiều nhưng mà hiện tại chỉ có ngôn ngữ tiếng Anh là được hỗ trợ và làm tốt nhất. Với Tiếng Việt của chúng ta thì còn rất nhiều hạn chế.

– Ngoài những mảng mà anh đang đề cập thì Chatbot có thể ứng dụng vào những sản phẩm nào nữa không?

Theo anh thì Chatbot sẽ được ứng dụng rất là nhiều trong các sản phẩm chăm sóc khách hàng và bán hàng. Tại vì sao? Tại vì nó giúp cho những công ty đó tiết kiệm được nguồn nhân lực, chăm sóc cùng lúc được nhiều khách hàng, giúp cho cuộc nói chuyện giữa khách hàng và con bot sẽ thấy tự nhiên hơn, không sợ làm phiền. Tất nhiên là Chatbot còn ứng dụng ở nhiều nơi nữa, theo nguyên tắc “khách hàng ở đâu mình phục vụ ở đó và ở đâu càng nhiều khách hàng thì mình càng phải ưu tiên phục vụ ở đó”.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, người dùng không còn sử dụng cài đặt thêm các ứng dụng trên điện thoại nữa, họ cũng ít dùng web đi mà chuyển qua sử dụng những app chat, như: facebook message, zalo… cho thấy khách hàng của mình ở app chat nên mình cũng phải phục vụ ở app chat.

– Để cho các bạn có đam mê về lĩnh vực này được biết và theo đuổi, anh có thể cho biết thời gian mà anh bắt tay vào nghiên cứu và triển khai Chatbot này là bao lâu?

Khi anh bắt đầu nhận nhiệm vụ từ phía công ty và bắt đầu nghiên cứu cho đến lúc ra sản phẩm là mất khoảng 1,5 tháng. Thời gian dành ra nhiều nhất là thời gian tìm hiểu về công nghệ mới này, viết ra kịch bản cho chatbot.

Ban đầu, tụi anh không viết phần xử lý tự nhiên mà thay vào đó sử dụng một dịch vụ của Google, đó là Dialogflow và có nghiên cứu về dịch vụ khác của facebook là Wit.ai. Và hiện tại thì tụi anh vẫn đang sử dụng dịch vụ Dialogflow của Google. Tuy nhiên, một mình Dialogflow không đủ để đáp ứng tất cả mọi nhu cầu để mình làm một con Chatbot đạt đến cấp độ 4 như anh có trình bày ở trên.

– Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn có ý định nghiên cứu và triển khai Chatbot để cho các bạn thấy được con đường đi như thế nào?

Gần đây các bạn cũng hay được nghe nói nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng này xảy ra trên 3 lĩnh vực: công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. AI nó là phần cốt lõi của kỹ thuật số. Hay ví dụ như Google gần đây cũng có thông báo chuyển dịch xu hướng Mobile First – ưu tiên những ứng dụng trên mobile chuyển sang AI First – ưu tiên cho những sản phẩm AI. Đi kèm với sự phát triển AI đó thì Chatbot là một ứng dụng tiềm năng rất là lớn trong tương lai. Đặc biệt, ở Việt Nam việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên bị hạn chế nên bạn nào đi đầu được chuyện đó thì có rất nhiều cơ hội.

– Câu hỏi cuối cùng, anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ, các bạn đang ngồi trên giảng đường đại học cũng như có 1, 2 năm kinh nghiệm có hướng phát triển để thành công trong công việc?

Khi bắt tay vào làm Chatbot hoặc bất kỳ sản phẩm nào thì trước tiên các bạn hãy tìm hiểu xem trên thế giới này có sản phẩm nào hay công cụ nào mà giúp cho mình thực hiện vấn đề đó nhanh hơn không để mình sử dụng lại hơn là làm từ đầu. Mình chỉ làm từ đầu khi mà cái mình cần không có hoặc cái mình cần đã có rồi nhưng nó chưa tốt. Mình phải đứng trên vai người khổng lồ để mình đi tới và mình đi nhanh hơn.

Chatbot hiện tại của tụi anh đang dùng 2 công nghệ chính: công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên của Google Dialogflow và về ngôn ngữ lập trình thì tụi anh dùng 1 framework lập trình là Node.js, một framework lập trình web rất tốt..

Ngoài vấn đề kỹ thuật ra, thì “thái độ” cũng rất quan trọng – các nhà tuyển dụng đều rất đề cao yếu tố này.

 

Về vấn đề thái độ trong công việc các bạn có thể xem chia sẻ chi tiết trong Devtalk số 2.

Như anh Đoàn Văn Vĩnh Thọ đã chia sẻ với các bạn đó là CHATBOTAI là một xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0. Ai đi đầu được sẽ có lợi thế rất lớn để hòa nhập xu thế đó. Và cảm ơn anh đã chia sẻ rất nhiệt tình về những công nghệ anh đã sử dụng để thực hiện con Chatbot cho công ty Gianty đó là Node.js. Một ngôi sao mới nổi trong ngôn ngữ lập trình đó là dùng Javascript và 1 dịch vụ của Google đó Dialogflow.

Qua buổi trò chuyện cùng anh Đoàn Văn Vĩnh Thọ, hi vọng các bạn sẽ có cái nhìn tổng quan và cũng như đã tìm ra những lời giải đáp ban đầu khi muốn bắt tay vào nghiên cứu CHATBOTAI

 

Cảm ơn anh đã nhận lời tham gia buổi phỏng vấn với những chia sẻ kinh nghiệm đầy quý báu hôm nay. Chúc anh luôn mạnh khỏe và đạt nhiều thành công trong cuộc sống!

——————————————-

Các bạn hãy đón xem số tiếp theo của Devtalk chúng tôi sẽ phát hành trong thời gian gần nhất!

Hãy ủng hộ kênh bằng cách LIKE/SHARE và SUBCRIBE để có thể cập nhật thông tin mới nhất từ chúng tôi nhé!

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO LẬP TRÌNH VIÊN JANETO


 0933067997 – 0933267337
 facebook.com/laptrinhvienio
 YouTube/laptrinhvienio
 tuyensinh@laptrinhvien.io
 Địa chỉ: Tầng 2, tòa nhà The Morning Star – 57 Quốc Lộ 13, Phường 26, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh.

0

Bình luận

0933 06 7997
0933 26 7337
tuyensinh@laptrinhvien.io