10 Kỹ năng bạn cần có để trở thành một Web Front-End Developer

Nếu bạn đang tìm cách thay đổi công việc hoặc đang muốn học một số kỹ năng mới để cải thiện sự nghiệp hiện tại của mình, thì việc học & làm về công nghệ là một trong những sự lựa chọn sáng suốt.

Bắt đầu với “Tam đại lợi thế” (the Big Three) như lương cao, công việc sáng tạo, thời gian linh hoạt, thì có hàng tá lý do khác khiến cho công việc về công nghệ hấp dẫn để bạn theo đuổi.

Nhưng, làm việc về công nghệ là gì? Đây là một khái niệm rất chung chung, chúng ta cần phải đi phân tích sâu hơn từng lĩnh vực của công nghệ thì mới hiểu rõ được đó là gì.

Trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ tập trung vào việc làm rõ “Công việc của một Web Front-End Developer” là cần những gì. Nói một cách ngắn gọn thì một Web Front-End Developer làm nhiệm vụ code một trang web bằng cách sử dụng HTML, CSS và Javascript (thực tế thì cần nhiều hơn). Họ là người dựa vào bản thiết kế (từ file photoshop, hình ảnh,…) và phát triển nó thành một trang web hoạt động được.

Nếu là người mới nhập môn, thì trở thành một Web Front-End Developer là con đường khá nhanh và linh hoạt. Có không ít cơ hội việc làm về phát triển web, tuy nhiên, bạn sẽ cần phải có một số kỹ năng cơ bản để có thể chinh phục được nhà tuyển dụng. Mình sẽ liệt kê dưới đây 10 kiến thức, kỹ năng bạn cần có để trở thành một Web Front-End Developer chuyên nghiệp.

1. HTML/CSS

Hai thuật ngữ này lại tiếp tục xuất hiện. Hiển nhiên thôi, vì không có một công việc của Web Front-End Developer nào mà lại không yêu cầu thành thạo HTML và CSS cả. Nhưng dừng lại một chút xem HTML và CSS là gì đã.

HTML (HyperText Markup Language) là ngôn ngữ được dùng để tạo ra phần khung, các phần tử của một trang web. HTML là ngôn ngữ đánh dấu bằng thẻ (Markup Language), nghĩa là bạn sử dụng HTML để đánh dấu một tài liệu text bằng các thẻ (tag) để nói cho trình duyệt Web cách để cấu trúc nó để hiển thị ra màn hình.

CSS (Cascading Style Sheets) là ngôn ngữ sử dụng để trình bày những phần tử mà bạn đẵ tạo ra bằng HTML. CSS sẽ tạo bố cục cho trang, chỉnh màu sắc, font chữ,… tựu chung lại là làm cho trang web trở nên đẹp, sinh động hơn.

Hai kiến thức này là điều kiện tiên quyết để trở thành một Web Front-End Developer. NO HTML/CSS – NO WEB DEVELOPER!

2. Javascript/jQuery

Một công cụ tối quan trọng khác trong bộ công cụ phát triển web đó là Javascript (JS). Khi mà HTML là ngôn ngữ đánh dấu tạo nên khung trang web, CSS là ngôn ngữ làm đẹp trang web thì JS là một ngôn ngữ lập trình, có nhiệm vụ xử lý những logic của trang web.

Trong một số trường hợp, trang web rất đơn giản chỉ hiển thị hình ảnh, chữ viết,… Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, trang web cần có thêm tính tương tác với âm thanh, video, games, cuộn trang, trình chiếu hình ảnh,… Thì lúc này, JS sẽ là công cụ bạn sử dụng để triển khai những tương tác trên.

Một điều thú vị nữa là có một thư viện JS có tên là jQuery, đây là một bộ các plugin và tiện ích bổ sung giúp việc sử dụng JS trên trang web của bạn nhanh hơn và dễ dàng hơn.

3. CSS và Javascript Frameworks

CSS và Javascript Frameworks là một tập các file CSS và JS cung cấp cho bạn rất nhiều hàm, tính năng tiện ích. Thay vì phải viết tất cả từ đầu, bạn chỉ cần copy và chỉnh sửa một chút các đoạn mã đã được xây dựng sẵn.

Các Frameworks vẫn có thể mạnh và cả điểm yếu. Vấn đề là chúng ta phải lựa chọn được framework nào phù hợp với mục đích sử dụng của mình. Ví dụ như, một số framework JS chuyên về xử lý tương tác phức tạp của người dùng (vuốt, cuộn trang,…), một số khác thì chuyên về xử lý nội dung trang web.

Một điểm cộng nữa là các framework đó có thể được sử dụng kết hợp với nhau. Chúng ta sẽ thường bắt gặp sự kết hợp của cặp đôi Bootstrap và JS framework như Angular. Nội dung của trang web sẽ do Angular đảm nhiệm, còn giao diện look & feel thì do Bootstrap đảm nhiệm.

4. CSS Preprocessing

Một kỹ năng khác liên quan tới CSS!

Một nhược điểm của CSS là bạn không thể xác định các , các hàm hoặc thực hiện các phép tính số học. Đây sẽ trở thành vấn đề khi trang web ngày càng có quy mô lớn hơn, vì bạn sẽ thấy mình tốn rất nhiều thời gian để viết mã CSS lặp đi lặp lại để thực hiện việc thay đổi.

Sử dụng CSS Preprocessing như SASS, LESS, hay Stylus, bạn sẽ có thể việc code theo kiểu preprocessor, sau đó những đoạn mã này sẽ được chuyển thành CSS để nó hoạt động trên trang web của bạn.

Giả sử bạn đang điều chỉnh màu xanh lam mà bạn đang sử dụng trên một trang web. Với CSS preprocessor, bạn chỉ cần phải thay đổi ở một nơi trong code thay vì phải thay đổi ở tất cả mọi nơi như CSS từng làm.

5. Version Control/Git

Sau khi đã làm việc chăm chỉ để code HTML, CSS và JS, bạn đã trải qua rất nhiều phiên bản của việc xây dựng trang web của mình. Giả sử có gì đó không đúng, và bạn không còn cách nào khác là phải làm lại từ đầu, điều này hoàn toàn có thể tránh khỏi khi bạn sử dụng những công cụ để kiểm soát phiên bản (version control). Version control là quy trình theo dõi và kiểm soát thay đổi của source code. Vì vậy bạn có thể quay trở lại bất kì giai đoạn/phiên bản nào của quá trình phát triển (thay vì làm lại từ đầu).

Phần mềm kiểm soát phiên bản – Git – Một công cụ bạn sẽ sử dụng để theo dõi các thay đổi, do đó bạn có thể quay trở lại những phiên bản làm việc trước đó, tìm xem có gì sai mà không phải làm xáo trộn toàn bộ.

Như bạn có thể tưởng tượng, đây chính là công cụ mà bạn rất vui khi sử dụng được nó.

6. Responsive Design

Nhớ lại cái ngày mà bạn (và mình) chỉ sử dụng duy nhất một loại thiết bị để truy cập trang web? Yeah, đó chính là cái ngày chúng ta sử dụng desktop/laptop để lướt web.

Ngày nay thì đã khác, ta sử dụng rất nhiều thiết bị như máy tính, điện thoại, máy tính bảng để lướt web. Đã bao giờ bạn nhận thấy cá trang web này tự điều chỉnh như thế nào với thiết bị mà bạn đang sử dụng chưa? Đây chính là việc mà Responsive design đã làm. Hiểu được nguyên tắc thiết kế và triển khai của Responsive design chính là chìa khoá của một Web Front-End Developer.

7. Testing/Debugging

Bất kỳ một trang web nào cũng sẽ có bug, dù lớn hay nhỏ. Để giảm thiểu tối đa số lượng cũng như mức độ của bug, chúng ta cần phải test thật kỹ, do đó khả năng kiểm tra và gỡ lỗi (test & debug) được đưa vào trong danh sách các kỹ năng cần thiệt cho một Web Front-End Developer.

Testing là một phần rất quan trọng trong quá trình xây dựng một trang web, những may mắn là đã có một số framework về test có thể giúp bạn làm điều này. Như Mocha hay Jasmine được ra đời và phát triển để giúp bạn đẩy nhanh tốc độ của quá trình test.

8. Developer tools của trình duyệt

Cũng tương tự như việc test và debug, tất cả các trình duyệt web hiện đại đều được trang bị các công cụ dành cho developer. Những công cụ này cho phép bạn kiểm tra và tinh chỉnh các thành phần trong trang web của mình trong chính trình duyệt.

Các chức năng chi tiết, cụ thể có thể sẽ khác nhau ở các trình duyệt khác nhau, nhưng developer tools thường bao gồm Inspector (kiểm tra phần tử) và Javascript console. Công cụ Inspector cho phép bạn nhìn thấy HTML lúc render ra trông như thế nào, CSS nào được liên kết với từng phần tử trên trang và cũng cho phép bạn chỉnh sửa HTML và CSS của mình và xem các thay đổi trực tiếp khi chúng ta chỉnh sửa. JS console cho phép bạn xem bất kỳ lỗi nào xảy ra khi thực thi mã JS của mình, ngoài ra bạn còn có thể viết mã JS và chạy trong JS console.

9. Công cụ xây dựng và tự động / Hiệu năng trang web

Bạn có thể viết được trang web cực ngầu nhưng nếu trang web hoạt động chậm chạp ở phía người dùng thì đó thực sự có vấn đề. Hiệu suất của trang web nói lên thời gian để tải trang web của bạn. Nếu bạn gặp sự cố với hiệu suất, bạn có thể cái thiện về hình ảnh (giảm kích thước, chất lượng ảnh) và rút gọn CSS và Javascript (xoá các ký tự không cần thiết khỏi code mà không làm thay đổi chức năng).

Các chương trình như Grunt, Gulp hay Babel có thể được sử dụng để tự động tối ưu hoá hình ảnh, CSS và thu gọn mã JS của bạn, cùng một số tính năng khác nhằm tối ưu hoá hiệu suất trang web.

10. Command line

Trong rất nhiều trường hợp, việc phát triển giao diện người dùng (GUIs) để cho phần mềm được sử dụng thân thiện hơn là một trong những điều tốt đẹp nhất được thực hiện. Việc dùng chuột để chọn menu dễ hơn rất nhiều so với gõ dòng lệnh.

GUI có thể sẽ hấp dẫn cả người viết code nhưng vẫn có một số hạn chế với một số ứng dụng cụ thể. Lúc này bạn cần phải sử dụng command line và gõ lệnh để thực hiện những việc bạn cần. Có thể nói kỹ năng sử dụng command line là một kỹ năng mà hầu hết các lập trình viên cần phải biết sử dụng.

Các kỹ năng khác

Bên cạnh 10 kỹ năng quan trọng được liệt kê ở trên các bạn còn phải trang bị một số kỹ năng khác, mà nếu có nó các bạn sẽ thêm phần tự tin mà chinh phục con đường trở thành một Web Front-End Developer chuyên nghiệp.

  • Kỹ năng tự học: Khả năng tự học luôn được đặt lên hàng đầu, vì những điều được dạy trên trường lớp không đủ, chỉ có tự học thì các bạn mới mở rộng được nhiều kiến thức hơn nữa.
  • Khả năng tiếng anh: Vì những tài liệu, kiến thức hay về công nghệ nói chung và Web nói riêng đều được viết bằng tiếng anh. Chính vì vậy, trang bị cho mình khả năng tiếng anh tốt sẽ giúp bạn tiếp thu kiến thức một cách nhanh chóng và chính xác hơn.
  • Kỹ năng Google: biết cách google là một trong những kỹ năng mà một Web Developer cần phần có, vì đa số các vấn đề về kỹ thuật đều đã có người giải đáp, và để tìm được câu trả lời chính xác nhất. Hãy Google!
  • Cùng nhiều kỹ năng khác …

Để trở thành một Web Front-End Developer chuyên nghiệp, bạn cần phải trang bị rất nhiều kiến thức và kỹ năng. Nhưng trước hết hãy tự mình tìm hiểu và trau dồi 10 kỹ năng mĩnh đã chia sẻ ở trên, thì bạn sẽ có một nền tảng vững chắc để tư tin bước tiếp trên con đường trở thành Web Developer chuyên nghiệp.

Nguyễn Hải Hải – Developer JANETO

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO LẬP TRÌNH VIÊN JANETO


 Hotline: 0933067997 – 0933267337
 Fanpage: facebook.com/laptrinhvienio
 Channel: YouTube/laptrinhvienio
 Email: tuyensinh@laptrinhvien.io
 Địa chỉ: Tầng 2, Tòa nhà The Morning Star – 57 Quốc lộ 13, Phường 26, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh.

THAM KHẢO

  1. https://skillcrush.com/2017/03/20/front-end-developer-skills/
0

Bình luận

0933 06 7997
0933 26 7337
tuyensinh@laptrinhvien.io