[DevTalk] #02 – Khi Developer làm Product Manager

Product Manager là gì? Đó là người chịu trách nhiệm quyết định tính năng nào cần có cho sản phẩm, làm việc trực tiếp với Developer, UX UI Designer để xây dựng tính năng đó và đảm bảo cho sản phẩm tốt nhất. Có thể xem Product Manager là “CEO của Product”.

Hôm nay, các bạn hãy cùng anh Nguyễn Khánh Duy – Product Manager của Công ty POPS Worldwide khám phá ngay:

  • Product Manager là gì, công việc cụ thể của một Product Manager?
  • Kỹ năng cần thiết để trở thành Product Manager là gì?
  • Những khó khăn, thách thức và cơ hội mà anh đã gặp phải khi là một Product Manager.

Để biết rõ hơn những chia sẻ trực tiếp của anh Nguyễn Khánh Duy, hãy cùng laptrinhvien.io xem video ngay bên dưới bạn nhé!

Những nội dung chia sẻ mà anh mang đến cho chúng ta gồm:

– Anh có thể chia sẻ công việc đang làm như thế nào?

Vị trí hiện tại anh đang làm ở POPS Worldwide là Technical Lead và kiêm luôn vị trí Product Manager. Các bạn hình dung mình đang là học việc Product Manager ?. Công việc chính của mình đang phụ trách là cùng phát triển sản phẩm của POPS, ứng dụng về Media. Công việc trước đây xuất thân là làm Game, mình có làm ở Gameloft 4 năm và ra làm riêng thì cũng làm về Game. Sau đó, mình có chuyển qua làm App khoảng hơn 2 năm.

– Anh có nghĩ lập trình là năng khiếu không?

Theo mình nghĩ thì có thể lập trình là năng khiếu. Tuy nhiên, để nói nó hoàn toàn là năng khiếu thì cũng không đúng. Trong trường hợp mình không có năng khiếu, mình vẫn có thể tập nếu như thực sự thích. Ví dụ như bơi, bơi giỏi thì do năng khiếu, nhưng không có năng khiếu thì vẫn có thể tập luyện.

– Anh có thể chia sẻ quá trình gần 8 năm làm Game của anh không?

Đầu tiên là lí do mình đến với Game, hồi xưa khi học ở trường đại học thì các bạn cũng biết, trường chỉ đào tạo chung. Trong lúc học cũng không có cao siêu gì, cũng không nghĩ ra trường mình sẽ làm gì, vị trí này làm Game hay App, Web. Sau khi ra trường, mình làm Web trước làm khoảng 1 năm và tại thời điểm đó thì .Net. Cơ duyên thì mình gặp một người bạn ở Gameloft thì có giới thiệu công việc về Game khá thú vị. Thứ hai về thu nhập khá tốt hơn, tại thời điểm đó mình không còn hứng thú với .Net, làm Web nữa. Đây là cơ hội nên mình thử. Tại thời điểm đó làm game thì đam mê chưa có, chưa biết gì thì sao mê được ?.

Thời còn điện thoại Java, khi vào Gameloft mình cảm nhận ở đó là học rất nhiều thứ. Hình dung là một sinh viên mới ra trường làm dự án thường nhỏ, nhưng ở trường mình nghĩ như vậy là xuất sắc lắm rồi. Khi vào Gameloft mình thấy mình không là gì hết, đối diện với bộ source game của Gameloft, chúng ta như bước vào một level rất khác và bắt đầu mê. Thực chất, lúc đó mê làm game là không đúng, mà mê những gì mà Gameloft làm được, những người đi trước họ đã làm được. Thời gian ở trong Gameloft, mình học làm game là như thế nào, làm game có thể làm những gì, tổ chức một game như thế nào, cách mà họ code, tổ chức cấu trúc source code, cấu trúc vận hành team, quản lý con người, quản lý dự án. Trong suốt 4 năm, thì mình rất ấn tượng về Gameloft, thậm chí khi đi rồi thì mình vẫn tự nói là “Gameloft xây dựng nền tảng cho mình như ngày nay”. Sau đó, mình có ra làm riêng với người anh lớn thì mình có mang theo rất nhiều kinh nghiệm từ Gameloft. Nhấn mạnh là kinh nghiệm chứ không phải Tools, Source của Gameloft.

Sau đó, làm công ty riêng mình bắt đầu vận dụng những gì đã học từ Gameloft vào làm game. Lúc đó bắt đầu biết thế nào là đam mê, nhưng cũng có giá của nó biết sức ép về mặt chi phí. Sau thời gian 4 năm mình quyết định dừng vì một số lí do cá nhân. Người anh lớn mình rất là nể, ảnh vẫn theo đuổi và giờ cũng khá thành công. Cũng rất tiếc là mình không thể đồng hành cùng mảng game, đồng hành tiếp những ước mơ xây dựng của bản thân mình. Tuy nhiên, cũng có những thời điểm mình phải quyết định.

– Làm game thực sự rất khó khăn, anh có nhận định như vậy không? Và đó có phải là công việc tốt cho lập tình viên hay không?

Đứng về mặt kĩ thuật, công việc làm game khá là khó, rất là cực nhưng rất thú vị. Mà mình nghĩ, nếu bạn developer thực sự làm thì những cái bạn tích lũy 1 năm 2 năm rất nhiều. Ví dụ bạn đó chuyển qua làm mảng khác không làm game nữa thì những kiến thức từ mảng làm game bạn có thể tự tin, về skills thì rất là tốt.

Đứng về mặt Business, làm game rất là khó, vì game thuộc về ngành giải trí. Có những cái mình làm thấy ý tưởng mình hay quá, nhưng người ta không thấy hay. Nên làm game là mảng rất là khó, độ rủi ro khá cao. Ngày xưa, mình hay gặp những tình huống như thế này, mình làm xong mình thấy chưa hay. Vậy hay là như thế nào? Làm thế nào để hay hơn? Câu trả lời rất là khó, mình chỉ thấy game này chưa hay thôi nhưng để làm game thật hay thì cũng không biết định nghĩa như thế nào và nó cũng không có công thức chung.

– Bây giờ anh còn code không? Và giờ anh đang làm ở mảng nào?

Trước giờ mình trả qua nhiều vị trí, liên quan đến lập trình có và không liên quan đến lập trình cũng có. Nhưng mình luôn tự nhận mình là lập trình viên và lập trình viên thì phải có code rồi. Ví dụ, giờ mình đang share 50:50 giữa vị trí Technical Lead và Product Manager. Hay là hướng của mình theo Product Manager thì không nghĩ là mình sẽ ngưng code đâu. Ngoài việc văn phòng như word, excel, báo cáo .v.v, nếu như có kiến thức về lập trình thì cuộc sống sẽ thoải mái hơn rất nhiều. Như code một cái Tool gì đó để tự động sinh report thì cũng không phải ngày nào cũng làm công việc đó nhàm chán.

– Anh duy trì đam mê lập trình như thế nào?

Lập trình như một sở thích, thói quen, hằng ngày mình đọc tài liệu về kĩ thuật. Mình thấy vấn đề đó hay thì mình dành ra một ít thời gian để mình thử. Cái mà mình đạt được nó sẽ là động lực để làm tiếp.
Ngoài ra, mình coi lập trình là giải trí. Ví dụ hằng ngày mình chơi cờ vua, chơi game, đọc sách thì trong đó có món của mình đó chính là code.
Nói về đam mê thì nhận định đam mê của mình không phải làm game hay cái gì đó cụ thể. Nó là lập trình chính là cái mình đam mê.
Thực ra, so với các bạn sau này giỏi hơn nhiều, như mình bây giờ có code thì sẽ lựa những thứ gì đó phù hợp thời gian mình có và không quá hardcore. Ví dụ giờ kêu mình code module về C thì chắc chắn là nó vượt quá khả năng của mình rồi. Giờ mình chọn những cái đơn giản hơn như Python hay NodeJS. Và giải quyết các vấn đề đó không quá phức tạp về kĩ thuật, thì mình vẫn duy trì được những đam mê của mình và cái nghề của mình, nhưng không làm quá ảnh hưởng đến công việc hiện tại. Thường dân kĩ thuật mình hay bị là mình làm business nhưng mình vẫn dành quá nhiều thời gian cho developer thì cái đó cũng không phải hay lắm. Giờ mình hay làm vào buổi tối, tầm khoảng 11h làm tới 1h -2h rồi đi ngủ hay vào cuối tuần.

– Với vai trò là Team Leader và Product Manager thì để làm được điều đó thì anh cần có những kĩ năng nào?

Công việc giữa vị trí quản lý và developer thì tương đối khác nhau nhiều. Ở vị trí developer thì bạn phải làm sao để có sản phẩm hết lỗi, còn vị trí quản lý thì phải định hướng. Bản thân 2 công việc đó không dính nhau nhiều lắm, thông thường mình có quan điểm là khi bạn là dev tốt rồi thì bạn lên làm Leader, khi làm Leader tốt rồi thì lên làm Manager. Nhưng thật ra nó cũng không đúng lắm skills nó rất là khác. Có thể bạn làm dev rất tốt nhưng nếu Leadership không có thì rất khó làm quản lý, mọi thứ đều đến từ việc học. Hiện tại đảm nhận vị trí Product Manager thì cũng sẽ lên mạng mình học, từ những kinh nghiệm khi làm công ty riêng thì mình sẽ biết nên làm những gì và sẽ phải học thêm. Như những khóa ngắn hạn về Product hoặc những bài viết về làm sao để làm product, quản lý team như thế nào và quản lý công việc như thế nào.
Ngoài ra, công việc của product manager cũng rất khác so với dev. Ví dụ developer thì không cần biết về Marketing, không cần biết về product phải planning như thế nào, tổ chức con người như thế nào. Không cần làm những báo cáo về tài chính, không cần là roadmap. Vị trí này sẽ kiêm rất nhiều vai trò khác nhau, những cái đó thì mình cố gắng học và tích lũy dần.

– Anh đã học nó như thế nào?

Phần lớn mình học qua sách, sau đó học qua những nhu cầu công việc. Bản thân người quản lý xác định có thể làm được, tạo điều kiện. Công ty bên mình thì sếp cũng đưa ra những yêu cầu, bình thường với product manager thực thụ họ sẽ biết phải làm những gì. Và mình biết chắc là không thể một ngày, một buổi mà biết hết tất cả. Sếp sẽ có những định hướng, request là nên làm những cái này, từ nhu cầu công việc mà mình sẽ làm. Thứ hai, mình đọc thêm về quản lý product những cái đó cũng không phải hiếm hoi gì đâu. Mọi người chia sẻ trên mạng rất là nhiều, mình có thể lên mạng tìm hiểu thêm.

– Anh đã trải qua rất nhiều vị trí, anh có nghĩ đi học MBA có giúp mình tiến nhanh hơn không?

Mình nghĩ là có, trước giờ mình quan niệm cái gì được đào tạo bài bản chính quy sẽ hay hơn. Khi đi học không hẳn là kiến thức không mà còn định hướng. Như vấn đề tự học, mình lên mạng tự học về product, có rất nhiều quan điểm, trường phái khác nhau nên khi học có thể bị rối và không biết bắt đầu từ đâu. Nên khi đi học thì sẽ tốt hơn.

– Khi là product manager, anh có nghĩ mình sẽ dừng lại việc lập trình hay không? Và anh chuyển sang quản lý hoàn toàn không?

Môi trường của mình thì đó là chuyện sớm muộn, giờ mình ở tuổi 30 thì vẫn còn sức khỏe và độ nhanh nhạy để lập trình. Khoảng 10 năm – 20 năm nữa, đặc thù công việc ở VN mình thì không nghĩ có thể tới mức đó. Tuy nhiên, có những cái thuộc về đam mê mà đam mê chưa chắc đã kéo dài 20 năm và mình không nói trước điều đó. Nhưng khi nào vẫn còn thì mình vẫn code, có thể không code cao siêu. Ví dụ như code giải bài tập toán cho con.

– Trong quá trình anh làm các bạn trẻ thì anh đánh giá trình độ của các bạn đó so với lập trình viên quốc tế khác mà anh có cơ hội làm chung là như thế nào?

Theo mình đánh giá, nhìn chung các bạn trẻ ngày nay rất giỏi, các bạn được tiếp xúc với lập trình từ khi còn học phổ thông. Ngày xưa học lập trình Pascal ở mức biết, các bạn có điều kiện làm nhiều cái rất hay, rất giỏi. Nên mình đánh giá về kĩ năng nhìn chung skill của developer Việt Nam khá tốt. Họ nắm bắt công nghệ rất nhanh, những Framework mới họ đều nắm rất tốt và tính kỉ luật cũng khá tốt. Tuy nhiên, về cảm quan những thứ thiên về hạ tầng hay để đạt level cao hơn thì chưa. Số lượng bạn ở Việt Nam có thể làm thiên về hạ tầng là rất ít như về game thì có Game Engine và số lượng người làm Game Engine không nhiều. Thường sử dụng rất giỏi Framework, nhưng để làm ra thì không nhiều.

– Anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ, các bạn đang ngồi trên giảng đường đại học cũng như có 2 năm kinh nghiệm có hướng phát triển để thành công trong công việc?

Thực ra, lời khuyên thì rất khó nói. Mỗi bạn sẽ có mỗi định hướng, nhưng nhìn chung có những cái mình hay chia sẻ với các bạn trẻ.

Thứ nhất, khi đi học thì đừng có chê những gì thầy cô dạy, nó cũng sẽ có chuyện này chuyện kia nhưng đừng nên kì vọng nhiều quá về thầy cô dạy mình cái gì. Thông thường, thầy cô sẽ định hướng là nên làm cái gì, còn việc học thế nào là do mình. Lên đại học mà học như cấp 3 cầm tay chỉ việc thì không hay mà nên tự học.

Thứ hai, có những môn cơ sở mà nếu đi theo developer thì nên cần và đừng nên bỏ qua như Tiếng Anh. Yêu cầu đọc hiểu tài liệu tiếng Anh để có thể tiếp cận công nghệ nhanh hơn. Toán về kĩ thuật lập trình, những môn hạ tầng thường các bạn hay bỏ qua.

Một cái nữa là nên đọc tin chính thống nhiều hơn, thông tin hiện giờ hơi loạn và nó tạo ra nhưng cái hơi ảo tưởng cho các bạn trẻ. Nên biết là mình đang ở đâu, với những bạn mới ra trường thì thái độ làm việc. Có những bạn thực sự rất giỏi, nhưng không muốn làm việc cũng với các bạn đó. Bạn đó rất giỏi nhưng khi vào team, với vai trò quản lý thì mình quan niệm là bạn vào team thì phải thúc đẩy mọi người cùng làm việc. Chứ không phải bạn vào đó để làm ngôi sao, cái đó thì mình không cần.
Ví dụ, mình cho thang điểm 10 là xuất sắc thì sẵn sàng làm chung với bạn 6 điểm và bạn đó sẽ từ từ đi lên, nhưng bạn đó có thái độ làm việc rất tốt, cởi mở và chịu học. Hơn là 1 bạn 9 điểm về và làm product tan rã luôn.

Thêm nữa đối với các bạn mới ra trường thì thái độ với những người đi trước. Các bạn hình dung thế này, các bạn học trong trường ra về kinh nghiệm, kiến thức các bạn có thể rất giỏi và giỏi hơn những người đi trước bởi càng về sau các bạn càng có điều kiện hơn. Tuy nhiên những người đi trước họ đánh đổi rất nhiều để có được như kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm giải quyết vấn đề. Những cái đó những người trẻ không có được. Cũng không hẳn 100%, biết đâu được có những bạn cực kì xuất sắc, mới ra trường nhưng có được cái đó rồi.

Thực ra, thái độ làm việc như chia sẻ thì mình có thể uốn nắn liệu công ty mất bao nhiêu thời gian để uốn nắn lại. Trong khoảng thời gian uốn nắn thì công việc nó như thế nào, mình không có đòi hỏi một bạn ngoan ngoan hay hiền hiền, sếp nói gì cũng nghe. Đó là thái cực khác rồi, mình vẫn cần các bạn trẻ không biết sợ nhiều khi cũng háo thắng. Chính vì vậy nó là động lực của team, nhưng mà phải nhìn nhận vấn đề ở thái độ cầu thị chứ không phải mình ngôi sao. Giữ ở mức cân bằng đừng có ngoan quá bảo gì cũng nghe, chờ bảo mới làm như thế là quá thụ động.

Cám ơn anh đã tham gia chương trình và chia sẻ những điều thú vị. Chúc anh luôn mạnh khỏe và đạt nhiều thành công trong cuộc sống!

——————————————-

Các bạn hãy đón xem số tiếp theo của DevTalk chúng tôi sẽ phát hành trong thời gian gần nhất!

Hãy ủng hộ kênh bằng cách LIKE/SHARE và SUBCRIBE để có thể cập nhật thông tin mới nhất từ chúng tôi nhé!

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO LẬP TRÌNH VIÊN JANETO


 0933067997 – 0933267337
 facebook.com/laptrinhvienio
 YouTube/laptrinhvienio
 tuyensinh@laptrinhvien.io
 Tầng 2 Tòa nhà The Morning Star – 57 Quốc Lộ 13, Phường 26, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh.

0

Bình luận

0933 06 7997
0933 26 7337
tuyensinh@laptrinhvien.io